Mảnh ký ức bị lãng quên

Hôm nay, lần đầu tiên mình đi chơi Hàng Mã dịp Trung Thu. Nhộn nhạo nhưng được cái vui mắt. Chỗ nào cũng một màu đỏ, đèn hoa tưng bừng. Cũng có chút vui sau nhiều ngày buồn. Đây cũng là lần đầu tiên sau tuổi 16 mình thấy mong chờ Trung Thu tới.

Thế là ngắm nhìn tất cả! Người ta nhìn mình, mình nhìn người ta, vật khoe mình, mình ngắm vật. Cái cảm giác như đứa trẻ đi tìm đồ chơi thất lạc vậy :)) Chợt nhận ra chẳng có thứ gì ngoài đầu sư tử, đèn lồng (không hẳn tất cả các loại) là hàng Việt Nam cả, tuyền đồ Tàu. Góc thì nơ Tàu, góc thì búa cao su tàu, góc thì mặt nạ quỷ Tàu, nơi nào đó chỉ toàn nhìn thấy tóc giả mà mình dám chắc cũng hàng Tàu.

Đâu rồi một cái tết Trung Thu mang đậm hương vị Việt? Chắc chỉ còn là mảnh ký ức già cỗi nằm sâu đâu đó trong trí nhớ tôi.

Những đứa trẻ hiện đại, mà rất có thể là hàng ngàn đứa trẻ của tương lai, sẽ chẳng còn thấy trống con, mặt nạ chú Tễu, hay đèn lồng ngôi sai 5 cánh nữa. Đơn giản vì chúng chẳng còn thích nó nữa. Vì chúng đâu thể mang tới một ngôi trường quốc tế một chiếc trống con mặt da trâu, viễn gỗ hồng, quai màu đen được nhỉ? Quê lắm, hiện đại là phải trống phủ mặt nhựa Tàu, dây quai đeo xanh đỏ cơ. Chúng cũng sẽ chẳng thể nào mang một cái mặt nạ Tễu đi khắp nơi khoe bạn bè rằng đó là mặt nạ yêu yêu của tao. Ừ tại vì bây giờ mặt nạ công chúa, mặt nạ quỷ thì bạn bè chúng mới thích, mới dễ trêu chọc. Vì chúng chả còn thích những thứ rất Việt như thế, và bố mẹ chúng cũng chẳng quan tâm làm gì, chẳng phải tất cả những thứ kia hiện đại và màu mè hơn sao? Thế nên, chắc hẳn chẳng có lãi, nên giờ người ta buôn đồ chơi Tàu, súng phun nước, đồ chơi thì hẳn sẽ dễ dàng bán chạy hơn. Ừ thì đời mà. Người ta có muốn giữ lại chút hương vị Trung Thu cho trẻ con thì người ta biết lấy gì để nuôi con người ta. Vòng tuần hoàn trong kinh doanh, vòng tuần hoàn của cuộc đời là cái chết của 1 thứ văn hóa Việt. Tôi tự hỏi, nếu cần mua đồ chơi, nếu cần một thứ gì hiện đại hóa, thì người ta đến hàng Mã tìm Trung Thu làm gì? Trung Thu đi dưỡng già ở cung trăng rồi :))

Một điều mà hôm nay tôi nhớ mãi. Đi cả một dãy phố dài, chỉ có đúng duy nhất 1 hàng bán đèn cù (hehe up ảnh cho các bạn chẳng biết đèn cù là đèn gì). Đèn kéo quân thì chẳng còn cái to đùng như hồi bé mình từng nhìn thấy nữa. Thực ra cũng đã lâu rồi mình chẳng còn nhìn thấy đèn củ, mình cũng đã quên tên nó cơ. May mà em Cháo nhắc. Các bạn khác còn kêu đó là đèn kéo quân nữa =)) Đến cả những bạn lạ mặt đi ngang qua chơi đùa cùng với nó, thấy tôi lớn tiếng hỏi: A cái đèn này mình thích, nhưng tên nó là gì, quên mất rồi? Cũng lảng rất nhanh. Tôi cũng công nhận, vì tôi chẳng mấy khi nhìn thấy đèn cù nên tôi quên thật. Nhưng tôi chắc chắn, sẽ có rất nhiều đứa trẻ và các bạn trẻ chẳng biết đèn cù là đèn gì. Ở gian hàng tôi nhìn thấy cũng chỉ có mỗi đèn cù mà tôi nghĩ là hàng Việt, còn rất nhiều nơ kính, mặt nạ đồ chơi kiểu chả có tí Trung Thu gì cả. Các gian hàng khác cũng vậy thôi.

Và đây cũng là lần thứ n tôi thấy Hà Nội thật lạ lẫm biết bao. Chẳng là tôi chợt nhớ đến tuổi thơ của mình. Cái thời xưa thật là xưa ấy, khi mà người ta không phải chen chúc từng tấc đất để cạp mà ăn, ở cái ngõ nhỏ nơi tôi sống, trẻ con phải chuẩn bị Trung Thu trước cả tháng trời. Phải đi họp Trung Thu này, họp như người lớn họp tổ dân phố ấy. Đứa nào không đi họp thì bị phạt mang hoa quả đến hoặc phạt trồng cây chuối. Đứa nào đến muộn thì phạt bị ê. Tôi nhớ có lần tôi đang ăn cơm thấy gọi đi họp, tôi mang cả bát ô tô cơm chan canh ú ụ đi họp. Đến lúc họp xong thì cơm vẫn chưa ăn hết mà còn trương lên, nhìn chả muốn ăn nhưng vẫn phải cố ăn vì sợ bố mẹ mắng, không cho đi họp nữa. Thành thử tôi thấy trẻ con hồi ấy nghiêm túc và đáng yêu lắm vì chẳng buổi họp nào chúng tôi vắng đứa nào ở xóm cả, cũng chả biết đi muộn hay vắng mặt là gì :)) Mà họp cũng có gì đâu nhỉ? Tuyền chuyện trò như kiểu thằng A với thằng B cãi nhau xem ai múa sư tử, con C hay con D thu tiền, bao nhiêu lâu thì được thay ca vì các bạn không biết đâu, đi múa sư tử mệt lắm =)) Cả chuyện đứa nào về đòi bố mẹ mua đồ nghề gì :)) Có một anh vì được giao mua trống mà bị bố đánh vì vòi vĩnh, xong rồi bị tụi lớn khiển trách. Thế mà cuối cùng chúng tôi vẫn có 1 cái trống ra trò. Rồi những câu chuyện đó luôn kết thúc mà chẳng có hồi kết. Vậy mà cứ đến ngày hẹn đi múa sư tử thì việc nào việc đó đều xong xuôi. Tôi có năm được mẹ mua cho mặt nạ Tếu, mua mặt nạ thủy thủ mặt trăng rồi trống. Mà có năm chả được mua gì thì mẹ cho tôi mang nắp vung với nón của mẹ đi =)) Thành thử hồi tôi còn bé, cái nắp vung nào ở nhà tôi cũng méo tròn không ra hình thù, vì tôi đập vung hăng lắm, rồi lại còn làm rơi, đạp vào bao nhiêu lần. Mà dụng cụ ngày xưa không phải từ nhà mang đi, thì cũng toàn đồ mua từ mấy hàng làm đồ Trung Thu cả: nào trống cái, nào đầu sư tử, nào đèn lồng, đèn cù, đèn kéo quân, quạt… đủ cả. Món quà ngày tết Trung Thu ngày đó, chẳng phải là bánh nướng bánh dẻo (những thứ đó là của người lớn í). Đối với chúng tôi hồi đó, quà là những thứ có thể đem đi múa sư tử được, mà cũng có khi đơn giản chỉ là 1 chùm hạt bưởi xâu lại làm đèn, một đống đom đóm gom lại trong một cái hộp giấy sáng bừng đến lạ. Những thứ đơn giản mà thực to lớn và ý nghĩa lắm.

Ở nơi tôi sống, cái thú đi múa sư tử của trẻ con đã trở thành nét đẹp văn hóa thôn rồi =)) Tức là ngõ nào, xóm nào không có thì coi như bị bọn trẻ con xóm khác chúng nó cười cho =)) Nên ngõ nào cũng phải có ít nhất 1 đội đi múa sư tử. Hồi đó, một đội đông lắm, từ 5 tới 10 người, có khi thì đi thành đoàn lớn. Mà đi múa sư tử ấy, nó cũng là một thứ nghệ thuật nhé. Múa làm sao cho đẹp, tễu trêu người hay quạt sao cho mát thì người xem mới cho tiền. Đi từng nhà phải dũng cảm làm sao thì người lớn mới cho tiền (hehe dũng cảm là dám xông thẳng vào mâm cơm múa, hay đuổi chó dữ, hồi đó tôi thấy các anh đi đầu tuyền dũng cảm như thế đó). Các bạn có thể thấy lạ, tại sao nét đẹp văn hóa mà lại có tiền nong gì ở đây? Thật đó bạn ạ. Ở nơi tôi đã từng ở, họ cho các đoàn múa sư tử tiền. Không giống như kiểu người ta cho nhiều như bây giờ 500 nghìn hay 1 triệu, trẻ con hồi đó, chỉ toàn được cho 200đ, 500đ. Được ai cho 5000đ là cả đoàn múa tận 15’ cơ :)) Khi ấy, người lớn người ta quý các đoàn múa sư tử lắm. Vì toàn trẻ con với cả cũng vui. Trẻ con cũng chẳng đòi hỏi nhiều tiền gì. Cho bao nhiêu cũng thích. Chỉ đơn giản là thích vậy thôi. Cuối mỗi buổi đi múa sư tử, thì trưởng đoàn lại chia tiền cho anh em. Lần tôi được chia nhiều nhất là 10500 đồng :)) Tôi cũng chẳng nhớ chính xác khi đó tôi dùng tiền làm việc gì. Hehe nhưng tôi nhớ có 1 chị hồi đó dùng tiền đi mua len về đan khăn cho mẹ. Đẹp lắm! Mẹ chị ấy đem đi khoe cả xóm suốt!

Bây giờ, cái văn hóa múa sư tử vẫn còn đấy, mà biến chất nhiều lắm. Trẻ con giờ không mua vì vui hay tụ họp mà múa vì tiền. Nhiều khi cho ít chúng nó chê ra mặt. Múa cũng xấu hơn. Mà cũng chẳng thấy trẻ con đi ở quê tôi đi múa nhiều nữa. Chúng nó còn phải đi học thêm, phải làm bài trên lớp, vì giao thông không tốt nên bố mẹ chúng nó không cho đi, blah blah đủ lí do. Giờ chỉ có bọn choai choai đi múa là nhiều. Múa vì tiền, chứ không phải vì vui, vì thích tết Trung Thu gì cả. Có thể vì khác biệt vùng miền, tôi chẳng bao giờ bắt gặp 1 nhóm trẻ đáng yêu của ngày xưa nữa. Ở Hà Nội thì càng không!

Nhiều lắm, nhiều thứ của tuổi thơ đã tìm về trong trí nhớ tôi lắm. Tôi nhớ những người bạn đồng hành của tôi khi đó. Tôi đã không còn ở cái xóm nhỏ vui vẻ khi đó nữa. Bọn trẻ con hồi đó, giờ đã có đứa đi làm, đã có người lấy vợ lấy chồng. Mà cũng có người bỏ xứ mà đi. Tôi chẳng còn liên hệ với ai. Một mảnh ký ức của tôi đã từng trùng với họ. Trong bộn bề lo toan và suy nghĩ của cuộc sống này, những đứa trẻ ngày xưa có đang nhớ về mùa Trung Thu như tôi đang nhớ hay không? Đột nhiên, tôi nhớ họ da diết. Tôi muốn được một lần nữa, nếu có thể cùng họ đi họp Trung Thu, đi múa sư tử một lần nữa.

Những đứa trẻ bây giờ hiện đại theo bộn bề của cuộc sống đã chẳng còn và cũng sẽ chẳng bao giờ sống như chúng tôi. Tôi chỉ nhìn thấy những đứa trẻ thích thú với kiếm, với súng, với những thứ đồ chơi hiện đại, những món đồ chơi rất Tàu. Biết đâu đấy, 5 10 năm sau, vẫn đúng cái ngày tết Trung Thu như thể hôm nay, tôi chỉ cũng sẽ chẳng còn nhìn thấy trẻ con ra ngoài đường chơi Tết nữa. Chúng còn bận chơi làm người lớn của tương lai 😀

Nếu sau này tôi có một đứa con, biết đâu tôi sẽ kể với nó, một cách tự kiêu và ích kỷ, về mảnh ký ức hồi bé của tôi. Để nó phát thèm, để nó vòi vĩnh tôi đi siêu thị mua bưởi về, ăn ngấu nghiến rồi bắt tôi làm đèn lồng hạt bưởi cho nó. Tôi cũng không biết khi đó còn bao nhiêu thứ đồ Việt còn được bán để cho con tôi được biết Việt Nam có một ngày tết Trung Thu đẹp vô cùng. Mọi thứ của tương lai, có thể biến mất trước khi con tôi được sinh ra. Và tôi cũng sẽ quá bận để có thể cho con có được ký ức tuyệt đẹp chăng? Chẳng nói trước được. Chỉ là bây giờ tôi muốn như thế mà thôi.

Một mảnh ký ức bị lãng quên chợt hôm nay sống dậy, hình như nó nói với tôi: Tao đến để nuôi dưỡng tương lai… một tương lai mà tao cũng chẳng biết còn đi với mày được bao nhiêu lâu nữa…

Hà Nội,

một ngày lạ lẫm đến vô cùng….

Leave a comment